Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính phổ biến nhất hiện nay, ảnh hưởng đến hơn 422 triệu người trên toàn thế giới. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 toàn cầu. Được xem là một căn bệnh “thầm lặng” nhưng tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tổng quan về bệnh tiểu đường, từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến cách phòng ngừa và các phương pháp điều trị hiệu quả.
Bệnh Tiểu Đường Là Gì?
Bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mãn tính khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Trong đó, Insulin là hormone quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu, khi không có đủ insulin hoặc khi cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ và chất khoáng, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh tiểu đường được chia thành ba loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.
Những con số thống kê đáng chú ý từ Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) về thực trạng bệnh tiểu đường toàn cầu:
- Năm 2023, có khoảng 537 triệu người trưởng thành trên thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường
- Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới dự báo, con số này sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 783 triệu vào năm 2045, tương đương với 12,2% dân số toàn cầu
- 21 triệu phụ nữ mang thai bị tăng đường huyết, chiếm 1/6 số phụ nữ mang thai trên thế giới
- Cứ mỗi 6 giây lại có một người tử vong do các biến chứng của bệnh tiểu đường
- Tổng chi phí điều trị bệnh tiểu đường trên toàn cầu năm 2021 là 966 tỷ USD, tăng 316% so với 15 năm trước.
- Tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó tỉ lệ người biến chứng lên tới 55%
Các Loại Tiểu Đường Thường Gặp
Tiểu Đường Tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 là khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy dẫn đến việc cơ thể không thể sản xuất insulin, buộc người bệnh phải tiêm insulin suốt đời để kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là dạng bệnh ít gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng số người mắc bệnh tiểu đường và thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên.
Tiểu Đường Tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn và thường xuất hiện ở người trưởng thành, đặc biệt là người trên 40 tuổi hoặc những người có lối sống ít vận động, béo phì. Ở loại này, cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng không sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân chính của tiểu đường tuýp 2 thường liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động. Đây là dạng bệnh có thể kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống và kết hợp điều trị bằng thuốc khi cần thiết.
Tiểu Đường Thai Kỳ
Tiểu đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ trong thời gian mang thai khi cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh nhưng phụ nữ mắc bệnh này có nguy cơ cao bị tiểu đường tuýp 2 sau này.
Các Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Tiểu Đường
Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thường phát triển chậm, đôi khi rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh rất khó phát hiện hoặc chỉ phát hiện khi tình trạng bệnh đã rất nặng. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:
- Khát nước quá mức: Người bệnh thường cảm thấy rất khát ngay cả khi đã uống đủ nước.
- Đi tiểu nhiều: Tiểu nhiều lần đặc biệt là vào ban đêm.
- Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác mệt mỏi không rõ nguyên nhân, cơ thể luôn trong trạng thái kiệt sức.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Mặc dù ăn nhiều nhưng người bệnh vẫn bị giảm cân.
- Thị lực giảm: Nhìn mờ, khó nhìn rõ các vật ở xa.
- Vết thương lâu lành: Các vết cắt hoặc vết thương nhỏ khó lành hơn bình thường.
Nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, nên đi kiểm tra đường huyết để có phương án điều trị sớm.
Nguyên Nhân Gây Nên Bệnh Tiểu Đường
1. Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1
Nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường tuýp 1 vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn.
- Yếu tố môi trường: Nhiễm virus (như coxsackievirus hay enterovirus) có thể kích hoạt hệ miễn dịch tấn công tuyến tụy, gây bệnh tiểu đường.
- Yếu tố khác: Một số nghiên cứu cho rằng các yếu tố như thiếu hụt vitamin D hoặc tiếp xúc sớm với protein từ sữa bò cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1.
2. Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2
- Béo phì và thừa cân: Mỡ thừa làm giảm khả năng chuyển hóa glucose của insulin, khiến lượng đường trong máu tăng cao.
- Ít vận động: Lối sống ít vận động khiến cơ thể không đốt cháy glucose hiệu quả, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường và ít rau xanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi, đặc biệt là sau 45 tuổi có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn do cơ thể suy giảm chức năng chuyển hóa và sử dụng insulin
- Stress và rối loạn hormone: Căng thẳng kéo dài và rối loạn hormone có thể làm tăng mức đường huyết, khiến cơ thể khó kiểm soát được glucose.
3. Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ xuất hiện khi cơ thể phụ nữ mang thai không sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng đường huyết trong suốt quá trình mang thai. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, cơ thể sản sinh nhiều hormone làm giảm hiệu quả của insulin, dẫn đến tăng đường huyết.
- Thừa cân trước và trong thai kỳ: Phụ nữ có chỉ số BMI cao trước khi mang thai hoặc tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn so với bình thường.
- Mang thai lần đầu muộn: Phụ nữ mang thai sau 35 tuổi có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn.
Biến Chứng Nguy Hiểm Của Tiểu Đường
Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống:
- Biến chứng về tim mạch: Tiểu đường làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch.
- Tổn thương thận: Đường huyết cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến suy thận.
- Tổn thương mắt: Tiểu đường có thể gây ra bệnh võng mạc, có nguy cơ dẫn đến mù lòa.
- Tổn thương thần kinh: Gây ra các triệu chứng như tê, đau và mất cảm giác, đặc biệt ở chân tay.
- Khả năng sinh sản: Phụ nữ mắc tiểu đường hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, nhưng cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ để tránh biến chứng cho cả mẹ và bé.
Phương Pháp Chẩn Đoán Bệnh Tiểu Đường
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, các bác sĩ thường áp dụng một số phương pháp xét nghiệm như:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Đo lượng đường trong máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Nếu kết quả đường huyết ≥ 126 mg/dL, cho thấy người đó có khả năng đã mắc tiểu đường.
- Xét nghiệm dung nạp glucose: Sau khi uống dung dịch chứa glucose, người bệnh sẽ được kiểm tra đường huyết sau 2 giờ. Nếu kết quả là ≥ 200 mg/dL, người bệnh sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng gần nhất. Nếu kết quả ≥ 6.5% cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường cao.
Cách Phòng Ngừa Bệnh Tiểu Đường
Phòng ngừa tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2 là hoàn toàn có thể nếu chúng ta có lối sống lành mạnh và chế độ ăn khoa học. Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Người thừa cân hoặc béo phì cần giảm cân để giảm áp lực lên cơ thể và giảm nguy cơ tiểu đường.
- Chế độ ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường khả năng sử dụng insulin của cơ thể và giảm lượng đường trong máu.
- Theo dõi đường huyết định kỳ: Đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình bị tiểu đường, việc kiểm tra định kỳ là rất cần thiết để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
- Kiểm soát stress: Căng thẳng lâu dài có thể làm rối loạn hormone, dẫn đến nguy cơ tiểu đường. Thực hiện các bài tập thư giãn như yoga, thiền có thể giúp bạn kiểm soát stress tốt hơn.
Kết Luận
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng các biện pháp điều trị. Hiểu rõ về các nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như đẩy lùi các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu nghi ngờ mắc tiểu đường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.